Chi tiết chương trình
 
Áp dụng sáng chế không bảo hộ tại Việt Nam để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer
 Ngày: 16-09-2021
File đính kèm: , ,
Công dụng của Rau đắng biển

Rau đắng biển (Bacopa monnieri) là một loại thảo dược vị đắng, tính mát, có tác dụng kích thích thần kinh, trợ tim, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, nhuận tràng. Ngày nay, ngoài việc sử dung rau đắng biển như một loại thức ăn, rau đắng biển được sử dụng như một vị thuốc trong các thang thuốc sắc, dịch ép tươi, tán bột sau phơi khô. Ngoài ra, trên thị trường Việt Nam hiện nay đã có một số chế phẩm đông dược được sản xuất từ vị thuốc này như: hoạt huyết bổ máu Đại Bắc, thông huyết Tuệ Linh, chế phẩm phối hợp Ginkgo Giloba 6000 mg và Brahmi 3000 mg…

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã cho thấy tác dụng nổi bật của rau đắng biển trên hệ thần kinh giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng nhận thức, học hỏi, hỗ trợ điều trị alzheimer là nhờ vào hoạt chất bacosid với 5 loại chính có trong rau đắng biển gồm có: bacopasid I, bacosid A3, bacopasid II, bacopasid X và Bacopasaponin C. Nghiên cứu trên động vật thực nghiệm đã cho thấy, cao chiết rau đắng biển liều 40 mg/ kg có tác dụng kích thích khả năng học tập trên mô hình đáp ứng lẩn tránh ở chuột cống trắng. Bacosid A và B của rau đắng biển đã được chứng minh có tác dụng kích thích trí nhớ trên chuột cống trắng. Chúng tác động đến vùng hải mã, vùng vỏ não và vùng dưới đồi, dẫn đến tăng hoạt tính protein kinase và tăng hàm lượng protein. Điều này gợi ý rằng hoạt chất bacosid có tác dụng cải thiện dẫn truyền thần kinh và phục hồi tổn thương thần kinh, thông qua sự phục hồi synap thần kinh.

Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, cao chiết cồn rau đắng biển có tác dụng kích thích nhận thức và bảo vệ thần kinh trên mô hình bệnh Alzheimer gây bởi ion ethylcholin aziridinium. Trên mô hình in vitro, cao chiết rau đắng biển cũng có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh vỏ não nuôi cấy nguyên phát, đã bị tổn thương bởi protein beta – amyloid. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ mới dừng lại ở việc thử tác dụng của cao chiết cồn rau đắng biển. Do đó, để phát triển rau đắng biển làm thuốc điều trị bệnh Alzheimer, cần có những nghiên cứu thêm về tác dụng cải thiện trí nhớ, nhận thức trên các mô hình bệnh Alzheimer và thành phần hợp chất có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh.

Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy, trên thực nghiệm rau đắng biển có tác dụng cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ, cải thiện và chống lại sự thoái hóa các tế bào thần kinh gây ra bởi 6 - OHDA, có thể dùng để điều trị can thiệp chống lại căn bệnh Parkinson, làm giảm lo lắng và trầm cảm trên chuột cống trắng và có tác dụng chống oxy hóa tốt, bảo vệ các tế bào trong não, giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa, chống stress và cải thiện trí nhớ, chống rối loạn thần kinh như chứng mất ngủ, trầm cảm, chứng rối loạn tâm thần, chứng co giật, stress, tác dụng khác như chống viêm, quét gốc tự do, chống ung thư, tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ tế bào và ức chế enzym acetyl cholinesterase, kích hoạt cholin acetyl transferase và tăng lưu lượng máu não, tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh trên mô hình gây thoái hóa tế bào thần kinh, cải thiện nhận thức chức năng ở người.

Hiện nay, các đơn vị sản xuất Dược trong nước đang sử dụng cao chiết rau đắng biển thu mua từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng không ổn định, và chất lượng cao chiết chủ yếu xây dựng bằng phương pháp định tính. Một số đơn vị trong nước có triển khai chiết xuất thì cũng chưa có qui trình chiết xuất ổn định để có thể chiết cao có hàm lượng hoạt chất tốt phục vụ sản xuất

Phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển Việt Nam

Dự án “Áp dụng sáng chế US6833143B1 không bảo hộ tại Việt Nam để phát triển sản phẩm hỗ trợ điều trị Alzheimer từ rau đắng biển Việt Nam” đã được Viện dược liệu chủ trì thực hiện thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Dự án đã hoàn thành việc đánh giá nguồn nguyên liệu tại 08 tỉnh thành trên cả nước, đánh giá chất lượng dược liệu tại các điểm thu mẫu. Qua đó, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở dược liệu Rau đắng biển ở Việt Nam  với đặc tính thân cỏ, nhẵn, màu xanh, thân non đôi khi có màu hơi nâu đỏ, tiết diện tròn, phân nhánh nhiều. Thân lá có vị đắng. Lá đơn, mọc đối, không lông, dày, có dạng hình muỗng hay hình trứng ngược, dài 0,5-1,5 cm, rộng 0,2-0,5 cm, mép nguyên, không lông, ở 2 mặt lá có nhiều chấm lõm. Lá có 1 gân chính, gân phụ không rõ. Hoa đơn độc, mọc ở nách lá, màu trắng hay màu tím nhạt. Cuống hoa dài 0,5-1,5 cm, không lông, hai lá bắc con hình dải, dài 0,3 cm, 2 lá đài trước hình trứng. Cánh hoa 5. Quả nang, hình trứng. Hạt nhỏ, hình tam giác.

Dự án giải mã được qui trình chiết xuất và cải tiến qui trình để phù hợp với trang thiết bị sẵn có tại Viện Dược liệu và của các đơn vị sản xuất Dược tại Việt Nam,  ngoài việc giảm sử dụng các dung môi độc hại, giảm công đoạn thực hiện mà giá thành sản phẩm thấp hơn nhiều so với patent US6833143B1 mà vẫn đảm bảo hàm lượng hoạt chất bacosid > 20%. Từ kết quả nghiên cứu này, dự án hy vọng có thể cải tiến và tiết kiệm hơn khi thực hiện nâng cấp qui trình lên 200kg/mẻ để có thể cạnh tranh với cao rau đắng biển có cùng hàm lượng hoạt chất nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Dự án đã hoàn thành chiết xuất và xây dựng qui trình tách chiết một số saponin chính (bacosid A3 và bacopasid II), thực hiện đánh giá độc tính, độc tính bán trường diễn, độc tính nhiễm sắc thể, độc tính sinh sản và tác dụng cải thiện trí nhớ trên thực nghiệm của cao chiết, xây dựng công thức bào chế và qui trình và thẩm định qui trình bào chế viên nén bao phim Memonimm ở qui mô 100.000 viên/mẻ. Dự án cũng đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn, bao gồm: dược liệu, cao chiết và viên nén bao phim và đánh giá độ ổn định của viên nén bao phim Memonimm trong điều kiện thường và điều kiện lão hóa cấp tốc để xác định thời hạn sử dụng của sản phẩm.

Dự án hoàn thành đã tạo tiền đề để phát triển sản phẩm từ dược liệu tiềm năng ở Việt Nam, từ đó cải thiện đời sống người dân ở các vùng có dược liệu rau đắng biển và khả năng thay đổi cơ cấu cây trồng cho người dân. Các doanh nghiệp Dược có thể chủ động nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất cao, sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng.

Hiện nay, cao rau đắng biển chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với chất lượng không ổn định, kết quả của dự án sẽ đảm bảo được chất lượng cao chiết và chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất,tạo tiền đề cho các Doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực Y Dược triển khai nhân rộng vùng trồng dược liệu rau đắng biển nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng; chủ động nguồn nguyên liệu và chất lượng cao chiết; và tạo ra sản phẩm có chất lượng hỗ trợ điều trị Alzheimer cho người dân

Thanh Thủy

Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)