Chi tiết chương trình
 
Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cá chình bông của tỉnh Phú Yên
 Ngày: 16-03-2022
File đính kèm: , ,
Cá chình là đối tượng có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích.
Giá thu mua trên thị trường trong nước hiện nay là 500.000 - 700.000 đồng/kg. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trở thành một trong những nước có sản lượng cá chình lớn của thế giới, nhờ có điều kiện khí hậu và nguồn nước rất thuận lợi, có nguồn giống trên 10 triệu con/năm ở các tỉnh miền Trung, nên sản lượng có thể đạt tới 8.000-10.000 tấn/năm.


Nghề nuôi cá chình ở nước ta bắt đầu ở tỉnh Phú Yên khoảng những năm 2000, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Nam và hiện nay đã phát triển ra nhiều tỉnh trong nước. Loài nuôi chủ yếu là cá chình bông (Anguilla marmorata) và cá chình mun (Anguilla bicolor pacifica) trong đó cá chình bông chiếm 90 – 95%. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong lồng, trong ao với thức ăn chủ yếu là giun ít tơ (Oligochaeta), động vật đáy và các sinh vật thủy sinh, ốc, hến, cá tạp, tép, nhuyễn thể, thịt ốc, cá biển…. Ngoài ra hiện nay một số vùng nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá chình bông có hàm lượng đạm từ 45 – 50% giúp cá có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên giá thành lại cao, mặt khác, dễ bị trộn lẫn chất tăng trọng, chất cấm, chưa chắc đã đảm bảo an toàn, sạch bệnh cho đàn cá. Do đó, thức ăn công nghiệp hiện nay ở Phú Yên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong quá trình nuôi cá chình bông.

Những năm đầu tiên khi mới bắt đầu làm nghề nuôi cá chình bông, cá chình con không được quan tâm nhân tạo giống mà người dân chủ đánh bắt cá chình bông giống ở tự nhiên. Ở Phú Yên có nhiều vị trí đánh bắt cá chình rất thuận lợi cho công tác làm giống như ở sông Ba (Tp. Tuy Hòa), sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An). Một số ngư dân dùng vợt mùng trong 1 đêm có thể bắt được 1000 – 5000 con cá chình con cỡ 45 – 55 mm, số lượng 5.500 – 6.000 con/kg. Sự phân bố cá chình bông ở Phú Yên tương đối rộng, chúng có mặt hầu hết các thủy vực nước ngọt và đầm phá Phú Yên.

Hiện nay, mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở huyện Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa,... Mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả khả quan: cá Chình phát triển tốt, ít dịch bệnh, giá cả ổn định, đầu ra rộng mở. Đây hứa hẹn sẽ là vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần ổn định đời sống của người dân. Theo thông tin hộ nông dân tham gia mô hình nuôi cá chình bông cho biết: “Cá chình bông là vật nuôi mới, còn nhiều lạ lẫm với người dân chúng tôi. Ban đầu khi tiếp cận với vật nuôi này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của các cán bộ kỹ thuật, trình độ nuôi cá chình của các hộ dân chúng tôi phần nào đã vững vàng. Với giá bán như hiện nay, người dân chúng tôi sau một vụ nuôi 18 – 24 tháng có thể thu lãi được 70.000 đến 80.000 đồng/con”. Mô hình nuôi cá chình bông đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân tỉnh Phú Yên và là một trong những hướng đi giúp người dân làm giàu bền vững.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, tiềm năng kinh tế mà ngành nuôi cá chình bông mang lại, đồng thời tìm ra những giải pháp hạn chế, ngày 26 tháng 11 năm 2015 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký Quyết định số 2350/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6%/năm. Trong đó, giá trị khai thác thủy sản tăng trưởng bình quân trên 2,4%/năm; giá trị nuôi thủy sản tăng trưởng bình quân trên 6,5%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 6%/năm; Tiếp theo, ngày 20 tháng 7 năm 2017 chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã đưa ra quyết định số 1438/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản Phú Yên giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó có đề rõ mục tiêu nâng cao chất lượng giống, năng suất nuôi và chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm chủ lực và đặc sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, cá chình, cá mú, cá hồng, cua biển. Trong giai đoạn này, chủ trương của tỉnh tập trung vào nghiên cứu xây dựng quy trình ương nuôi cá chình bông bột trắng đến cá chình giống cấp II.

Từ những lợi thế của nghề nuôi cá chình bông vùng đất Phú Yên, việc xây dựng CDĐL cho sản phẩm cá chình bông là rất cần thiết. Cá chình bông Phú Yên có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của khu vực nuôi trồng. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng CDĐL cho cá chình bông Phú Yên. Để giúp người nuôi, kinh doanh sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tăng khả năng nhận biết bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm. Vì vậy, việc tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cá chình bông của tỉnh Phú Yên” là hoàn toàn phù hợp và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Khi được phê duyệt, nhiệm vụ triển khai các nội dung để xác lập quyền CDĐL “Phú Yên” cho sản phẩm cá chình bông giống và cá chình bông thương phẩm, gắn với kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển CDĐL phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất đặc thù của sản phẩm cá chình bông Phú Yên được bảo hộ. Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ CDĐL; Quảng bá và phát triển CDĐL “Phú Yên” cho các sản phẩm cá chình bông nhằm mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL, nhiệm vụ sẽ tập trung đánh giá, thiết kế mô hình tổ chức và các điều kiện phục vụ hoạt động quản lý và phát triển CDĐL. Khảo sát về nhu cầu sử dụng CDĐL và kinh doanh sản phẩm mang CDĐL. Đánh giá chức năng, nhiệm vụ và vai trò của các cơ quan tham gia quản lý và phát triển CDĐL. Nghiên cứu thiết kế mô hình tổng thể hệ thống quản lý và phát triển CDĐL, trong đó chú trọng nâng cao năng lực của tổ chức và vận hành hệ thống quản lý nội bộ và quản lý bên ngoài đối với CDĐL.

Nhiệm vụ sử dụng hệ thống các công cụ, phương tiện phục vụ quản lý nội bộ và quản lý từ bên ngoài đối với CDĐL; hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm cá chình bông được bảo hộ CDĐL; hệ thống công cụ, phương tiện quảng bá và thương mại hóa sản phẩm mang CDĐL để vận hành thử nghiệm quản lý CDĐL trên thực tế. Kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bàn giao mô hình cho đơn vị thụ hưởng sau khi nhiệm vụ kết thúc.

Khi thực hiện dự án thành công, sản phẩm cá chình bông Phú Yên được bảo hộ theo CDĐL “Phú Yên”, lúc đó sẽ phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng CDĐL; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc thù của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất cá chình bông Phú Yên phát triển bền vững.

Việc thực hiên nhiệm vụ “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cá chình bông Phú Yên” tạo điều kiện cho sản phẩm được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý và đi vào vận hành, qua đó khẳng định được giá trị kinh tế và vai trò của một loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Việc xây dựng, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần tăng thêm nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị thương hiệu sản phẩm cá chình bông Phú Yên mang nét đặc trưng của tỉnh nhà trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên là công việc đòi hỏi thời gian và tiến hành các bước cẩn trọng. Sản phẩm cá chình bông Phú Yên là sản phẩm đặc thù, đã có danh tiếng và thương hiệu; tuy nhiên lại gặp vấn đề rất lớn về quản lý chất lượng thống nhất và bền vững. Do đó, cần có sự tranh thủvề thời gian, đầu tư về kinh phí; bởi ở đây có liên quan chặt chẽ giữa sản xuất và các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội.

Công Thường

Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)