Chi tiết chương trình
 
Độc quyền sáng chế: Năng lực nội sinh của mỗi doanh nghiệp
 Ngày: 05-07-2020
File đính kèm: , ,
Ngày nay, sản phẩm hay dịch vụ sử dụng trong cuộc sống đều là kết quả của một chuỗi sáng tạo không ngừng.
Độc quyền sáng chế là một loại tài sản trí tuệ có giá trị, tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Các quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ  đã xây dựng thành công một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là quyền sáng chế.

Độc quyền sáng chế (ĐQSC) là một loại tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận dưới hình thức cấp văn bằng bảo hộ và cho phép tổ chức, cá nhân đó có quyền ngăn cấm bất kỳ người nào khác sử dụng sáng chế (SC) thuộc độc quyền nhằm mục đích thương mại mà không được phép của mình trong khoảng thời gian nhất định (thường là 20 năm). ĐQSC được Nhà nước thừa nhận bằng pháp luật về sở hữu trí tuệ, được Nhà nước bảo đảm thực thi bằng các biện pháp chế tài và hệ thống các cơ quan thực thi của Nhà nước.

Bản chất của ĐQSC là quyền ngăn cấm người khác sử dụng SC nhằm mục đích thương mại mà không được phép của chủ sở hữu SC trong thời gian và lãnh thổ bảo hộ, và quyền thực hiện hành động pháp lý cần thiết (chẳng hạn khởi kiện tại tòa án) nhằm chống lại việc sử dụng nêu trên. Sự tồn tại của ĐQSC khiến cho bất kỳ người nào muốn sử dụng SC nhằm mục đích thương mại đều phải xin phép chủ sở hữu SC, nếu không hành vi sử dụng bị coi là bất hợp pháp. Vì được hưởng độc quyền, chủ sở hữu SC có thể cho phép người khác sử dụng SC của mình dưới hình thức chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) hoặc chuyển giao quyền sở hữu (chuyển nhượng), thậm chí không cho phép bất cứ người nào sử dụng SC của mình ngay cả khi bản thân chủ sở hữu không sử dụng SC đó.

Về nguyên tắc, ĐQSC bao gồm quyền của chủ sở hữu cho phép người khác sử dụng SC của mình (quyền định đoạt) nhưng không đương nhiên bao gồm quyền sử dụng SC của chủ sở hữu SC. Đồng thời, khác với quyền tài sản khác, mặc dù  ĐQSC cũng bao gồm quyền chiếm hữu SC nhưng quyền này hầu như không có ý nghĩa và không cần thiết vì bản chất của SC là thông tin, do đó có thể lan truyền từ người này sang người khác, cùng một lúc và tại nhiều nơi có thể có nhiều người cùng chiếm hữu thông tin đó một cách độc lập với nhau nếu họ có đủ khả năng nhận thức và hiểu biết về thông tin đó.


ĐQSC không mang tính tuyệt đối mà chịu ràng buộc bởi một số điều kiện. Trong những điều kiện đó, người khác (không phải chủ sở hữu SC) có quyền sử dụng SC mà không bị coi là bất hợp pháp. Nói cách khác, ĐQSC có những giới hạn và hạn chế nhất định, cụ thể như sau:

Hạn chế về không gian (lãnh thổ): ĐQSC được pháp luật của nước/khu vực nào thừa nhận thì chỉ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi lãnh thổ nước/khu vực đó.Một SC được bảo hộ ở nước/khu vực này thì không có nghĩa rằng chính SC đó cũng được bảo hộ ở nước/khu vực khác, văn bằng bảo hộ SC ở nước/khu vực này cũng không có giá trị xác nhận độc quyền đối với SC đó ở nước khác.
Hạn chế về thời gian: ĐQSC chỉ tồn tại và có hiệu lực trong một thời hạn nhất định. Tùy theo pháp luật về SC của mỗi nước, thời hạn bảo hộ độc quyền đối với SC thông thường là 20 năm. Chủ sở hữu SC chỉ được hưởng của mình trong thời hạn mà ĐQSC còn có hiệu lực; khi thời hạn đó kết thúc, SC tương ứng trở thành vô chủ hoặc thuộc về xã hội, bất kỳ người nào cũng có quyền sử dụng mà không bị pháp luật ngăn cấm.


Hạn chế đối với quyền ngăn cấm: Nói chung, chủ sở hữu SC không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng SC nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân, nhằm mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất/nhập khẩu/lưu hành sản phẩm; hoặc không có quyền ngăn cấm người khác lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ đã được đưa ra thị trường (kể cả thị trường nước ngoài) một cách hợp pháp (nghĩa là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả theo quyết định bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền, người có quyền sử dụng trước SC đã đưa ra thị trường) - tức là khi ĐQSC đã được khai thác hết; hoặc sử dụng SC chỉ nhằm duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải đang quá cảnh tại lãnh thổ nước bảo hộ.

Hạn chế bởi quyền của người sử dụng trước: Cá nhân tiến hành sử dụng SC một cách độc lập (với chủ sở hữu SC) trước ngày chủ sở hữu SC nộp đơn đăng ký bảo hộ SC tương ứng , kể cả khi SC được bảo hộ, vẫn được tiếp tục sử dụng SC đó mà không cần xin phép chủ sở hữu SC (nhưng không được mở rộng phạm vi, khối lượng sử dụng hoặc chuẩn bị để sử dụng so với tình trạng sử dụng trước ngày nộp đơn nêu trên), và chủ sở hữu SC cũng không được phép tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm ngăn cấm người sử dụng trước SC đó (trừ trường hợp người sử dụng trước có mở rộng phạm vi hoặc khối lượng sử dụng thì chủ sở hữu SC mới có quyền yêu cầu xử lý phần mở rộng nói trên).

Nhà nước không mặc nhiên (tự động) bảo vệ ĐQSC: mặc dù Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ SC và thừa nhận ĐQSC, nhưng về nguyên tắc việc thực thi ĐQSC phụ thuộc vào quyết định của chủ sở hữu SC, cụ thể là chủ sở hữu SC chính là người chủ động theo dõi, kiểm tra, bảo vệ quyền của mình bằng cách yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi sử dụng trái phép SC của mình theo thủ tục hành chính, dân sự. Nếu chủ sở hữu SC không thực hiện việc tự bảo vệ một cách chủ động như trên, thì sự bảo hộ của Nhà nước không có nhiều ý nghĩa, thậm chí hành vi xâm phạm độc quyền còn bị coi là được chủ sở hữu SC dung túng và cho phép tồn tại nên không thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, ĐQSC được Nhà nước bảo hộ có khả năng bị hủy bỏ hoặc chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của người thứ ba nếu SC không còn xứng đáng được hưởng sự bảo hộ (chẳng hạn SC không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo hộ, chủ sở hữu SC không có quyền đăng ký SC, chủ sở hữu SC từ bỏ độc quyền sáng chế ĐQSC...); khả năng nêu trên có thể xảy ra trong chính quá trình thực thi ĐQSC theo các thủ tục hành chính, dân sự, tức là ĐQSC được Nhà nước cấp nhưng không mang tính bất biến và vĩnh viễn.

Bên cạnh các đặc điểm về nội dung và hạn chế nêu trên, ĐQSC có mối quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với cạnh tranh trong hệ thống pháp luật cũng như thực tiễn của nền kinh tế thị trường.

ĐQSC là động lực tồn tại của thị trường độc quyền và doanh nghiệp độc quyền, nhưng việc lạm dụng độc quyền một cách thái quá sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm/dịch vụ thuộc độc quyền và gây nên những tác động tiêu cực tới xã hội. Vì thế việc Nhà nước thừa nhận và bảo hộ ĐQSC luôn kèm theo các công cụ quản lý cần thiết để ngăn chặn những tác động nêu trên do hậu quả hạn chế cạnh tranh, quan trọng nhất là hệ thống pháp luật về cạnh tranh và các cơ quan thi hành pháp luật về cạnh tranh.

Tóm lại, ĐQSC tồn tại và được Nhà nước bảo hộ là một tất yếu khách quan, là chỉ tiêu quan trọng đánh giá trình độ công nghệ và năng lực nội sinh của mỗi doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, là một trong những chỉ báo về xu hướng chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển, về thu nhập, công ăn việc làm, tiêu dùng... và sự tăng trưởng kinh tế. Để khai thác tối đa những lợi ích do ĐQSC mang lại, mỗi doanh nghiệp, tổ chức cần phải nắm vững bản chất và đặc điểm của ĐQSC để có những chiến lược, chiến thuật sản xuất và kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao một cách bền vững.

Công Thường

Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)