Chi tiết chương trình
 
Bảo hộ sáng chế dạng sử dụng
 Ngày: 22-8-2020
File đính kèm: , ,
Một trong những vấn đề còn tranh luận trong thời gian vừa qua là việc liệu có cần thiết phải chấp nhận các yêu cầu bảo hộ sáng chế dạng sử dụng hay không?
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội thông qua năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trước khi có Luật SHTT thì các yêu cầu bảo hộ sáng chế dạng sử dụng vẫn được chấp nhận ở nước ta. Trên thực tế, kể từ khi ra đời Pháp lệnh Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (có hiệu lực ngày 11/2/1989) cho đến trước khi thông qua Luật SHTT 2005, các sáng chế đều được phân loại thành các dạng liên quan đến cơ cấu, chất, phương pháp và sử dụng cơ cấu, chất, phương pháp đã biết theo chức năng mới. Cách phân loại này cũng được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc chúng ta từ chối bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng là do lo ngại việc kéo dài thời hạn bảo hộ một cách bất hợp lý các sáng chế trong lĩnh vực dược dẫn đến giá thuốc chữa bệnh tăng cao, làm giảm khả năng tiếp cận của nhân dân. Thế nhưng nếu xét theo khía cạnh này thì việc từ chối bảo hộ cả các sáng chế dạng sử dụng trong các lĩnh vực kỹ thuật khác ngoài lĩnh vực dược là không hợp lý.

Hơn nữa, việc cho rằng chế độ bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng có thể làm cho giá thuốc tăng cao cũng chưa được củng cố bởi các căn cứ vững chắc. Cho đến nay chưa hề có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chỉ ra mối quan hệ giữa việc bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng và giá thuốc. Theo một số kết quả điều tra gần đây thì phần lớn các nhu cầu cấp bách về dược phẩm lại liên quan đến các loại thuốc phát minh (innovator) chứ không phải các loại thuốc đã hết thời hạn bảo hộ (generic).Mấu chốt của việc bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc của toàn xã hội là phải bảo đảm việc cung cấp đủ thuốc, với mức giá hợp lý, đặc biệt là các loại thuốc mới.


Phần lớn các loại thuốc mới trong số này dựa trên những hợp chất mới được tạo ra và được cấp bằng sáng chế. Thế nhưng, thay vì tìm cách hạn chế quyền patent đối với những hợp chất mới được tạo ra như vậy thì chúng ta lại dành cho các sáng chế này chế độ “bảo hộ tuyệt đối”. Nghĩa là bảo hộ cho bất kỳ công dụng nào, trong khi chẳng có điều ước quốc tế nào buộc chúng ta phải chấp nhận điều này. Trong khi đó, số thuốc đã biết được dùng cho chức năng mới để điều trị bệnh mới là không nhiều, cho nên việc từ chối bảo hộ sáng chế dạng sử dụng không có nhiều ý nghĩa trong việc góp phần làm giảm giá thuốc.

Những người ủng hộ quyết định từ chối bảo hộ các sáng chế dạng sử dụng thường viện dẫn đến Tuyên bố Doha, thế nhưng Tuyên bố Doha không hề đề cập cụ thể đến việc loại trừ các sáng chế dạng sử dụng. Thay vào đó, hoàn toàn có thể sử dụng cơ chế li xăng cưỡng bức để giải quyết vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lợi thế của li xăng cưỡng bức là có thể áp dụng cho cả các sáng chế liên quan đến tất cả các loại thuốc, kể cả các loại thuốc dựa trên các hợp chất mới được tạo ra và do đó dễ dàng đáp ứng các nhu cầu cấp bách của xã hội.

Từ lâu nay nhiều người cho rằng, bằng cách nộp đơn xin cấp văn bằng bảo hộ cho các sáng chế dạng sử dụng, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đang tìm cách để vòng tránh các điều luật loại trừ bảo hộ đối với phương pháp chữa bệnh. Tuy nhiên, cần thấy rằng việc tìm ra một hợp chất mới là vô cùng khó khăn, tốn kém và chỉ có các tập đoàn đa quốc gia với nguồn nhân tài, vật lực to lớn mới có thể thực hiện được. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện khó có khả năng thực hiện các nghiên cứu như vậy.

Trong khi đó, việc tìm ra công dụng mới của một loại dược phẩm đã biết có lẽ sẽ dễ dàng hơn và các doanh nghiệp của chúng ta chỉ có cơ hội tạo ra và đăng ký những sáng chế liên quan đến dược phẩm thuộc loại đó. Đặc biệt là đối với các loại thuốc dân tộc vốn chỉ sử dụng các loại nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên và một loại cây thuốc có khi dùng cho nhiều loại bệnh. Khi đó, việc nộp đơn đăng ký sáng chế cho giải pháp dùng nước sắc của cây thuốc X, vốn theo truyền thống được sử dụng để chữa cảm cúm chẳng hạn, để chữa một bệnh mới sẽ bị từ chối vì đây rõ ràng là trường hợp sử dụng chất đã biết để thực hiện chức năng mới. Như vậy, việc từ chối chấp nhận các yêu cầu bảo hộ sáng chế dạng sử dụng sẽ tước đi cơ hội của chính nền y học nước nhà.

Ngoài ra, chi phí xã hội cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng sẽ giảm xuống nếu có thể dùng một loại thuốc đã biết cho việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Các bác sỹ cũng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng một loại thuốc đã biết vì các nguy cơ và tác dụng phụ của nó đã được nghiên cứu kỹ. Việc đăng ký và sản xuất đối với một loại thuốc đã biết cũng đơn giản và rẻ tiền hơn nhiều so với một loại thuốc dựa trên một hợp chất mới. Điều này sẽ làm giảm chi phí, góp phần làm giảm giá thuốc. Tuy nhiên, nếu không được cấp độc quyền khai thác để bù lại các chi phí nghiên cứu và phát triển thì các công ty dược sẽ không đầu tư vào các nghiên cứu khoa học để tìm ra các công dụng mới của hợp chất đã biết. Do đó, chính lợi ích của xã hội đòi hỏi phải khuyến khích các công ty dược đầu tư, nghiên cứu để tìm ra các công dụng mới của các loại thuốc đã biết thông qua việc cấp độc quyền patent cho các thành quả đầu tư này.

Có thể thấy, Luật SHTT 2005 và các văn bản dưới luật được ban hành thay thế cho các văn bản pháp luật trước đó cũng không hề có bất kỳ quy định nào loại trừ đối tượng “sử dụng”. Hơn nữa, không có gì chứng tỏ rằng việc từ chối bảo hộ sáng chế dạng sử dụng có thể giúp ích trong việc bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc đối với đại đa số quần chúng. Trên thực tế, hơn 10 năm đã trôi qua kể từ khi các sáng chế dạng sử dụng bị từ chối bảo hộ nhưng giá thuốc chẳng những không giảm mà còn thường xuyên tăng. Chính vì vậy, việc nên hay không nên từ chối các sáng chế dạng sử dụng và căn cứ pháp lý nào để từ chối các sáng chế này cần nghiên cứu thêm trong thời gian tới.

Công Thường


Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)