Chi tiết tin tức
 
Khai thác tài sản trí tuệ: “Đánh thức” tiềm năng du lịch Việt
 
Sáng ngày 10/06/2016, Hội thảo Khoa học Quốc tế ''Khai thác tài sản trí tuệ địa phương trong phát triển du lịch' được tổ chức tại Trường Đại học Ngoại Thương, Hà Nội. Hội thảo Quốc tế do 4 đơn vị phối hợp tổ chức là Tổng cục du lịch Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Ngoại Thương và Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, ông Phạm Hồng Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, bà Francesca Toso, Tư vấn viên cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO)..

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương nhận định để tạo ra bước phát triển đột phá cho ngành du lịch Việt Nam cần phải khơi dậy tiềm năng về tài sản trí tuệ địa phương, những thế mạnh được tạo ra từ hoạt động đổi mới, sáng tạo của mỗi địa phương, chứ không chỉ dựa vào những lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên trong thời gian vừa qua. Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế chung hiện nay trên thế giới nhằm tạo ra những nét đặc trưng riêng biệt dấu hiệu nhận biết của địa phương trên bình diện quốc gia và quốc tế cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh: “Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, tài nguyên du lịch Việt Nam là nguồn tài sản quý báu của các địa phương nếu như biết khai thác sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, có nguồn thu nhập cao và tạo sự phát triển bền vững”. Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về pháp luật, tuyên truyền, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các địa phương trong việc xây dựng, đăng ký bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ; kịp thời triển khai những hành động thiết thực và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong việc khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ gắn liền với sự phát triển du lịch địa phương một cách bền vững.

Trao đổi tại hội thảo, bà Francesca Toso, tư vấn viên cao cấp của WIPO cho rằng trên thế giới, rất nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư và phát triển những tên gọi trở thành biểu tượng văn hóa, nhằm phát huy một cách tổng thể giá trị của các tài sản trí tuệ của địa phương cho phát triển du lịch bền vững. Tài sản trí tuệ địa phương rất đa dạng, từ những tên gọi gắn với địa danh hoặc gắn với các nguồn tài nguyên tự nhiên; hay những sản phẩm và tri thức truyền thống, đang trở thành hàng hóa quan trọng, tạo nên điểm khác biệt cũng như dấu hiệu nhận biết của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
 
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư và phát triển nguồn tài nguyên du lịch dưới góc độ sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, khai thác các yếu tố phân biệt khác như hệ thống thiết kế mỹ thuật, quyền tác giả cho tác phẩm kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng… nhằm định hình sự khác biệt, độc đáo và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho mỗi địa phương. Nhiều địa danh đẹp đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng như: Quảng Ninh, Phong Nha, Huế, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc Cũng đã có nhiều dự án, chương trình xây dựng thương hiệu du lịch, tuy nhiên các chương trình mới hướng tới việc xây dựng một biểu tượng chung cho điểm đến mà chưa khai thác hết giá trị tài sản trí tuệ của cộng đồng.

Kết thúc hội thảo, ông Lê Ngọc Lâm, phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế chung hiện nay trên thế giới nhằm tạo ra những nét đặc trưng riêng biệt cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để phát triển những thế mạnh được tạo ra từ hoạt động đổi mới, sáng tạo của mỗi địa phương và “đánh thức” tiềm năng du lịch, Việt Nam cần có một cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu và đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng của tài sản trí tuệ và những quy tắc gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ dựa trên nguồn tài nguyên du lịch mà mỗi địa phương đang nắm giữ.

Trung tâm Phát triển Tài sản trí tuệ

  Các tin đã đưa
 
RapNewsPlus chuyên đề 11: Cùng chung tay bảo vệ sở hữu trí tuệ
Rap News IPMan: Tôn vinh “Đổi mới sáng tạo - cải thiện cuộc sống”
Rap News IP Day 2018: Sở hữu trí tuệ nâng cao nhận thức, thay đổi cuộc sống
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững
Dự án NTMN khu vực miền Bắc: Những bước chuyển mới trong sản xuất
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm, làm việc với Khu CNC Hòa Lạc
Nâng cáo chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên
Thương mại hóa sáng chế được bảo hộ tại VN còn hạn chế
Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức “Hội nghị khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ”
CHUNG KẾT GAMESHOW IP CHALLENGE 2013 – ĐỈNH CAO THƯƠNG HIỆU
Cục sở hữu tí tuệ tổ chức hội thảo
Họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp