Chi tiết tin tức
 
Mật ong Mèo Vạc-đặc sản du lịch của cao nguyên đá
 
Đây là nhận định của ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ khi đề cập đến chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm Mật Ong Bạc Hà Mèo Vạc của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Cục Sở Hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật Ong Bạc Hà “Mèo Vạc” – Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang từ ngày 1/3/2013. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Chỉ dẫn địa lý giúp mật ong Mèo Vạc trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của cao nguyên đá
Cứ mỗi độ Thu sang, trên các triền núi của vùng cao Mèo Vạc, cây bạc hà bắt đầu mọc. Những mầm cây non lớn dần trong khí trời mát mẻ, cây lớn lên nhờ chất dinh dưỡng hợp với thổ nhưỡng nơi đây, những khoảnh đất nhỏ xen kẽ các khe đá. Sang tháng 10, tháng 11 âm lịch, cây bạc hà bắt đầu ra hoa. Khi hoa bạc hà nở rộ khắp núi rừng cũng là lúc những đàn ong đua nhau đến lấy mật, tạo thành sản phẩm mật ong Mèo Vạc nổi tiếng cả nước. Mật ong bạc hà Mèo Vạc Hà Giang có vị thơm đặc biệt, ngọt khé, có màu sắc từ vàng đỏ đến vàng chanh, không bị biến đổi màu theo thời gian.
Ông Lưu Đức Thanh cho hay, mật ong Mèo Vạc là một sản phẩm được hình thành trên cao nguyên đá Đồng Văn, công viên địa chất toàn cầu, với những giá trị đặc trưng về sinh thái và sự độc đáo của vùng nguyên liệu hoa bạc hà. Thứ hai, mật ong Mèo Vạc là sản phẩm của đồng bào dân tộc, được sản xuất tự nhiên, mang những đặc trưng chất lượng do giá trị của vùng nguyên liệu. “Do đó, đây là một sản phẩm mang những giá trị đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Lưu Đức Thanh nói.
Đánh giá về những tác động của chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Mèo Vạc, ông Ngô Văn Cường, Chủ tịch Hợp tác xã nuôi ong Mèo Vạc nhận định, chỉ dẫn địa lý giúp mật ong bạc hà Mèo Vạc được bảo hộ và khẳng định quy trình từ sản xuất thu hoạch, đóng chai và lưu thông đảm bảo khoa học. Sản phẩm luôn giữ được chất lượng và có điều kiện để phát triển.
Theo ông Cường, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đã mở ra cơ hội cho loại mật ong này đủ sức cạnh tranh trên thị trường và góp phần để người dân mạnh dạn đầu tư vốn cho việc phát triển đàn ong, tăng thu nhập đồng thời bảo tồn và phát triển được nguồn giống quý trong nông nghiệp. “Người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, đồng nghĩa với việc sản phẩm mật ong bạc hà tìm được thị trường tiêu thụ lớn hơn, nguồn lợi kinh tế mang lại cũng tăng”, ông Cường nói.
Ông Lưu Đức Thanh cho rằng, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mật ong Mèo Vạc đã mang lại những giá trị nhất định đối với người dân và tỉnh Hà Giang. “Đầu tiên đó là sự khẳng định về một sản phẩm đặc trưng, gắn với những giá trị tự nhiên và cộng đồng, nâng cao hình ảnh, giá trị của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Thứ hai, chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng sản xuất, sự quan tâm của địa phương đối với sản phẩm. Đây là vấn đề rất quan trọng để mật ong Mèo Vạc góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, trở thành một sản phẩm du lịch mang đặc trưng của vùng cao nguyên đá”, ông Lưu Đức Thanh nói.
Để gìn giữ thương hiệu và phát triển sản xuất mật ong Bạc Hà, về phía chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã tạo điều kiện thuận lợi để người nuôi ong, doanh nghiệp nuôi ong được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển đàn ong mật. Từ hình thức nuôi quảng canh, tự phát, thì nay bà con đã dần có ý thức nuôi ong theo quy trình kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, hiện nay, một hộ gia đình có 30 đàn ong lấy mật sẽ cho thu nhập bình quân 40 - 45 triệu đồng/năm.
Ngoài việc khuyến khích phát triển để tăng đàn, các ngành chức năng còn tổ chức đội ngũ cán bộ khuyến nông đến tận thôn bản phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho người dân, hướng dẫn họ chuyển sang nuôi ong bằng thùng cầu, hướng dẫn cách lấy mật bằng cách quay cầu. Do vậy, chất lượng mật được nâng lên, đảm bảo nguyên chất, giữ được vị ngọt khé, thơm đặc trưng của mật ong bạc hà Mèo Vạc theo đúng quy định trong hồ sơ đăng bạ chỉ dẫn địa lý.
Hiện nay, ngoài sản phẩm mật ong nguyên chất đóng chai, huyện Mèo Vạc đang tiếp tục xây dựng dự án chế biến mật ong thành sản phẩm “Mật ong ngâm lòng đỏ trứng gà địa phương” và “Mật ong ngâm trứng gà và bột tam thất”, để tạo ra nhiều thành phẩm đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hy vọng, việc bảo hộ này sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho người sản xuất mật ong bạc hà “Mèo Vạc” đẩy mạnh chất lượng và đưa sản phẩm tới với thị trường trong và ngoài nước.

  Các tin đã đưa
 
RapNewsPlus chuyên đề 11: Cùng chung tay bảo vệ sở hữu trí tuệ
Rap News IPMan: Tôn vinh “Đổi mới sáng tạo - cải thiện cuộc sống”
Rap News IP Day 2018: Sở hữu trí tuệ nâng cao nhận thức, thay đổi cuộc sống
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững
Dự án NTMN khu vực miền Bắc: Những bước chuyển mới trong sản xuất
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm, làm việc với Khu CNC Hòa Lạc
Nâng cáo chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên
Thương mại hóa sáng chế được bảo hộ tại VN còn hạn chế
Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp tổ chức “Hội nghị khoa học sinh viên về sở hữu trí tuệ”
CHUNG KẾT GAMESHOW IP CHALLENGE 2013 – ĐỈNH CAO THƯƠNG HIỆU
Cục sở hữu tí tuệ tổ chức hội thảo
Họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp