Chi tiết chương trình
 
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
 Ngày: 26-10-2023
File đính kèm: , ,
Việc xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Tủa Chùa” cho sản phẩm chè Shan tuyết của tỉnh Điện Biên sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế, đẩy mạnh tên tuổi của sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường với các nông sản cùng và khác loại, trở thành mô hình thí điểm để nhân rộng về xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản tại vùng sản xuất cây lâu năm tập trung, có quy mô lớn và có giá trị kinh tế cao.
Thực tiễn về danh tiếng chè Shan tuyết Tủa Chùa

Tủa Chùa không chỉ là vùng đất được biết đến với những lễ hội văn hóa độc đáo, món ăn đặc sắc, với những chợ phiên rộn ràng mà còn nổi tiếng bởi chè Tuyết Shan Tủa Chùa. Chè Shan tuyết của huyện Tủa Chùa là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to và lá chè mọc từng chùm trên cành. Không giống các loại chè khác, để hái được loại chè này, người hái phải trèo lên thân cao .



Do sống ở vùng núi cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên chè Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa có hương vị rất đặc biệt, chè có màu nước vàng sóng sánh như mật, vị chát đậm đà, hậu vị ngọt đượm và rất đặc trưng. Cây chè càng già càng cho nhiều búp có hương đậm đà hơn, quyện trong hương có mùi thơm cây cỏ, núi rừng, có vị chát pha chút đắng nhè nhẹ… Tính chất đặc thù về chất lượng này của chè Shan tuyết Tủa Chùa được đánh giá là do điều kiện địa lý, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, hầu hết chè Shan tuyết ở Tủa Chùa được trồng ở độ cao > 1000m, biên độ nhiệt ngày đêm chênh lệch khá lớn (10 – 180C), độ ẩm không khí cao >84%, chính những đặc điểm này làm hàm lượng tanin và chất hòa tan trong chè Shan tuyết Tủa Chùa rất cao để tạo nên hương vị đặc trưng khác biệt so với các sản phẩm cùng loại.

Theo báo cáo phân tích chuỗi giá trị chè Shan ở Yên Bái và Điện Biên dưới tác động được dự báo của biến đổi khí hậu (NOMAFSI, 2014) nhận định, chè Shan tuyết Tủa Chùa ở tỉnh Điện Biên không chỉ nổi tiếng bởi hương thơm, mà đặc biệt là nó có vị rất riêng so với những sản phẩm chè Shan khác mà tên tuổi của nó còn được biết đến như là một sản phẩm tinh khiết của thiên nhiên ban tặng, do khí hậu trong lành, nguồn nước sạch, phát triển một cách tự nhiên, kỹ thuật canh tác đơn giản, không sử dụng phân bón và thuốc BVTV, bà con người mông thu hái chè thủ công, sau khi thu cũng không sử dụng thuốc bảo quản, chính yếu tố con người và tập quán canh tác như vậy cũng đã góp phần tạo nên đặc thù và danh tiếng cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa là loại nông sản sạch, an toàn. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, hiện nay có khoảng 70ha diện tích chè Shan tuyết cổ thụ của Tủa Chùa có từ rất lâu năm, vẫn đang cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 24 tấn chè búp/năm đã được CERES chứng nhận là vùng chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ năm 2019 (Sở NN&PTNT Điện Biên, 2020).

Nắm được lợi thế vùng, ngày 16 tháng 5 năm 2018 Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 555/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 về nhiệm vụ giải pháp nông nghiệp có định hướng phát triển cho diện tích chè toàn tỉnh từ 1000-1200 ha và đặc biệt quy hoạch cho vùng phát triển là cao nguyên Tủa Chùa. Hiện nay với tổng diện tích trồng chè Shan trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ khoảng trên 600 ha, sản lượng thu hàng năm khoảng ước khoảng 30 tấn chè khô/năm, cây chè Shan tuyết đã chính thức được đưa vào danh sách là cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Điện Biên và trọng tâm phát triển tại huyện Tủa Chùa.

Sự cần thiết xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa


Tủa Chùa là huyện miền núi vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Điện Biên, điều kiện tự nhiên tại vùng sản xuất chè Shan tuyết của huyện Tủa Chùa tuy có những khắc nghiệt nhưng phù hợp cho cây chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời được xem là nhân tố thuận lợi để tạo ra được sản phẩm chè Shan tuyết thơm ngon, chất lượng cao và rất khác biệt về hương và vị như hiện nay.

Trình độ kỹ thuật canh tác (trồng, chăm sóc, đốn tỉa) còn đơn sơ, việc thu hái chè búp tươi của người dân 100% hiện được thực hiện thủ công bằng tay. Người dân để chè phát triển một cách tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Như vậy, bên cạnh điều kiện tự nhiên cùng với tập quán sản xuất của người dân nơi đây thuận lợi cho việc sản xuất chè Shan tuyết Tủa Chùa an toàn, chất lượng cao. Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng và chuyển giao các quy định về kỹ thuật sản xuất cho cán bộ kỹ thuật quản lý địa phương và trực tiếp tập huấn người dân nhằm quản lý tốt công tác sản xuất, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thực tế trong những năm gần đây, giá thành sản phẩm chè Shan tuyết tại huyện Tủa Chùa không ổn định, giá chè búp tươi những thời điểm được giá có thể lên đến 100.000-200.000 đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm giá chè búp tươi chỉ khoảng 20.000-50.000 đồng/kg, đồng thời giá chè thành phẩm cũng dao động rất lớn từ 200.000-1.000.000 đồng/kg. Hoạt động bán và thu mua sản phẩm đang rất khó kiểm soát, hiện tượng tranh mua, tranh bán giữa một số doanh nghiệp lớn, có đầu tư công nghệ tương đối hiện đại với các cơ sở sản xuất nhỏ dẫn đến những bất ổn đối với thị trường tiêu thụ chè Shan tuyết hiện nay. Quan trọng hơn nữa, là mối liên kết giữa người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kiểm soát chất lượng và thương mại sản phẩm còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết không đồng đều, chưa phát huy được giá trị và sản xuất vẫn thiếu bền vững. Do đó, để hình thành mối liên kết bền vững giữa người sản xuất với thương mại sản phẩm cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công cụ quản lý, kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất và thương mại sản phẩm.

Trong thời điểm kinh tế thị trường như hiện nay, sản phẩm của một huyện thuộc tỉnh miền núi xa trung tâm muốn phát triển và được nhiều người biết đến thì cần phải xây dựng cho mình những đặc điểm nổi bật, có kế hoạch phương hướng cụ thể phù hợp với xu thế vận động hiện nay. Trong đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất đặt ra cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa là xác định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường lợi thế canh tranh về sản phẩm chất lượng cao và an toàn thực phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Khi sản phẩm chè Shan tuyết của huyện Tủa Chùa được bảo hộ dưới dạng CDĐL sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, với hệ thống kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo về chất lượng từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, tiêu thụ đến việc sử dụng hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm sẽ góp phần đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Giá thành sản phẩm được nâng cao, ổn định, giúp cho người sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn, đồng thời khi CDĐL đã được thừa nhận và biết đến một cách rộng rãi trên thị trường, nó sẽ là phương tiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống không chỉ cho người sản xuất của địa phương mang địa danh, mà còn cho cả những người kinh doanh khác.

Đối với người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mang CDĐL, người dùng được dùng sản phẩm đảm bảo xuất xứ nguồn gốc, đúng danh tiếng, chất lượng đặc thù. Đây cũng được xem là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, thúc đẩy người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay. Đây cũng chính là tiền đề tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Điện Biên.

Công Thường


Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)
Thị trường và xu thế phát triển cây đậu phộng Tây Ninh  (01-04-2022)