Chi tiết chương trình
 
Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong
 Ngày: 21-04-2021
File đính kèm: , ,
Thực hiện mục tiêu phát triển CDĐL “Cao Phong”, ngày 01/10/2018 Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành Quyết định số 2865/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi và thời gian thực hiện dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.

Hiệu quả của Dự án và khả năng nhân rộng

Dự án đã mang lại những hiệu quả nhất định về mặt khoa học, kinh tế-xã hội. Việc chuyển đổi cơ quan quản lý CDĐL “Cao Phong” từ Sở KH-CN tỉnh Hòa Bình (gián tiếp) sang UBND huyện Cao Phong (trực tiếp) cho phép rút ngắn trình tự và giảm tiểu các thủ tục hành chính đối với các chủ thể kinh tế mong muốn sử dụng CDĐL. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò và tính chủ động của cơ quan phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực địa lý với quản lý và phát triển tài sản CDĐL.

Dự án đã áp dụng cách tiếp cận đa ngành (SHTT, kinh tế, xã hội, kỹ thuật ứng dụng) trong quản lý và khai thác giá trị của TSTT để hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc sản địa phương. Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể kinh tế về giá trị của CDĐL, khai thác TSTT, kỹ năng phát triển sản xuất gắn với thị trường và việc duy trì/nâng cao chất lượng của sản phẩm. Thông qua hoạt động của Dự án, nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu và quyền sử dụng CDĐL “Cao Phong” của các cơ quan nhà nước và các chủ thể kinh tế tại địa phương được nâng lên rõ rệt. Việc duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm đã được coi trọng. Đến nay, huyện Cao Phong đã có gần 1.200 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Một số HTX như Hà Phong, 3T Farm đang chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ.

Dự án đã góp phần khẳng định vị thế của sản phẩm cam mang CDĐL “Cao Phong” trên thị trường, là cơ sở để UBND huyện Cao Phong và các chủ thể kinh tế thay đổi chiến lược phát triển cam “Cao Phong” từ chiều rộng sang chiều sâu (không mở rộng diện tích, thay đổi cơ cấu giống và nâng cấp chất lượng sản phẩm gắn với chương trình OCOP).
Tuy nhiên, thành công lớn nhất của Dự án là duy trì và nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm mang CDĐL trong bối cảnh kinh tế thị trường trước thực trạng nguồn cung dư thừa. Trong cơn khủng hoảng nhưng giá bán cam “Cao Phong” vẫn cao hơn các sản phẩm thông thường từ 2-2,5 và người sản xuất vẫn có lợi nhuận từ 250-350 triệu đồng/ha. Đây chính là cơ sở để khẳng định lại rằng, 1 sản phẩm mang CDĐL nếu thực sự có chất lượng đặc thù và quản lý tốt vẫn phát huy được hiệu quả kinh tế-xã hội trước những thách thức cạnh tranh.


Tỷ suất lợi nhuận của sản phẩm sử dụng CDĐL (bao bì, nhãn mác, TXNG hoặc Logo CDĐL) cao hơn sản phẩm không sử dụng CDĐL khoảng 25-30%. Nhiều chủ thể kinh tế tự đầu tư in ấn bao bì, nhãn mác và xin phép sử dụng Logo CDĐL mà không cần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước là cơ sở để khẳng định tính bền vững của Dự án.  Đây cũng là cơ sở để mở rộng việc khai thác và phát triển CDĐL “Cao Phong” một cách rộng rãi trong toàn bộ khu vực địa lý; đồng thời điều chỉnh lại CDĐL “Cao Phong” được bảo hộ về đối tượng sản phẩm (cam V2) và khu vực địa lý (mở rộng có điều kiện).

Dự báo những rủi ro và các giải pháp phòng ngừa

Chất lượng là yếu tố chính để sản phẩm cạnh tranh, thuyết phục tiêu dùng và được trả giá cao hơn sản phẩm cùng loại. Tạo ra lợi nhuận là động lực để người sản xuất liên kết sử dụng thương hiệu cộng đồng và duy trì chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần dự báo những rủi ro đối với sản phẩm cam mang CDĐL “Cao Phong” và đưa ra 1 số giải pháp ngăn chặn.

Trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính, Nhà nước cần trao quyền mạnh hơn cho các chủ thể kinh tế sử dụng và quản lý tài sản CDĐL. Vì vậy, việc ra đời 1 tổ chức tập thể đại diện cho những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang CDĐL là cần thiết. Tuy nhiên, cần có những chính sách cụ thể và chiến lược lâu dài để những tổ chức Hiệp hội, Hội ngành nghề CDĐL như Hội sản xuất và kinh doanh cam huyện Cao Phong hoạt động có hiệu quả.

Hiện tượng CDĐL “Cao Phong” bị lạm dụng danh tiếng/uy tín để cạnh tranh không lành mạnh tràn lan trên thị trường cho thấy việc bảo vệ quyền sở hữu và quyền sử dụng CDĐL cần tính đến những giải pháp tầm cỡ quốc gia chứ không thể bó hẹp trong khu vực địa lý (ví dụ như Hiệp hội CDĐL Việt Nam...)

Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản dưới dạng CDĐL cần phải song hành việc định danh và bảo vệ pháp lý cho sản phẩm (đăng ký CDĐL, bảo vệ tài sản CDDL) gắn với quá trình liên tục truyền thông về sản phẩm, thuyết phục thị trường sử dụng sản phẩm và đổi mới để thích ứng với thị hiếu tiêu dùng (định vị sản phẩm). Trong đó, ngoài sự hỗ trợ của thể chế thì các tổ chức tập thể CDĐL đóng vai trò quyết định

Tuyên truyền người sản xuất tuân thủ các quy định kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang CDĐL “Cao Phong”, tăng cường kiểm soát cộng đồng về chất lượng và TXNG đối với sản phẩm sử dụng CDĐL. Sử dụng tem Qr-code, nhãn mác và logo của CDĐL “Cao Phong” cho các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn CDĐL. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Biểu tượng đại diện cho CDDL “Cao Phong” (Logo) để khẳng định uy tín/danh tiếng của cam mang CDĐL “Cao Phong” và chống lại các hành vi gian lận thương mại.

Chỉ cấp quyền sử dụng CDĐL cho những chủ thể kinh tế đủ điều kiện sử dụng nhằm quản lý tốt chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa các hành vi xâm phạm quyền quyền sử dụng CDĐL. Áp dụng triệt để hệ thống TXNG sản phẩm đã được thiết lập và tăng cường kiểm soát TXNG trên phần mền quản lý CDĐL; công khai các thông tin và việc sử dụng tem Qr-code trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm mang CDĐL “Cao Phong” tại các thị trường tiềm năng; Thiết lập hệ thống bán hàng cấp I tại Hà Nội; Nghiên cứu thị trường và thị hiếu tiêu dùng các tỉnh phía Nam để có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm tại đây.

Hỗ trợ hình thành và phát triển những tổ chức kinh tế tập thể tại những nơi chưa có HTX sản xuất và kinh doanh cam trong khu vực địa lý để hoạt động chuỗi liên kết: sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói sử dụng bao bì/nhãn mác “Cao Phong” và tổ chức phát triển thị trường. Dừng mở rộng diện tích trồng cam mới, tập trung thâm canh theo các tiêu chuẩn an toàn và nâng cao chất lượng các sản phẩm chế biến từ cam...

Thanh Thủy

Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)