Chi tiết chương trình
 
Quản trị tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
 Ngày: 16-9-2021
File đính kèm: , ,
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một tài sản vô hình có vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Vấn đề quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) trở thành một trong những khía cạnh có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng của các SMEs.

SMEs trong bản đồ kinh tế

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, SMES đóng một vai trò quan trọng trong hầu hết các nền kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Theo đó, SMES chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp, sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động trong nền kinh tế toàn cầu và đóng góp tới 40% thu nhập quốc dân (GDP) ở các nền kinh tế mới nổi.

Tại Việt Nam, theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tại thời điểm 31/12/2018, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là 593.629, chiếm đến 97,2% tổng số doanh nghiệp. SMES đóng góp khoảng 40-45% GDP, khoảng 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động.

Mặc dù vậy, SMES cũng là chủ thể có tính nhạy cảm cao và dễ bị tổn thương trước những diễn biến bất lợi của bối cảnh kinh tế - xã hội. Nhưng bù lại, SMES cũng là hạt nhân trong việc đổi mới sáng tạo, phục hồi nền kinh tế và tạo ra việc làm.

TSTT đối với SMEs

Các nghiên cứu của WIPO đã chỉ ra rằng, khi các SMES biết cách tạo lập và sử dụng quyền SHTT một cách hiệu quả thì thành tựu kinh tế mà họ đạt được sẽ tốt hơn và khả năng tăng trưởng sẽ cao hơn. Điều này cũng khá tương đồng với kết quả nghiên cứu của Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan SHTT Liên minh châu Âu (EUIPO) được công bố vào tháng 5/2019 qua thực tiễn của các doanh nghiệp tại châu Âu.


Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều SMES vẫn không nhận thức được vai trò của TSTT và cách các quyền SHTT có thể trợ giúp trong việc chuyển đổi ý tưởng thành tài sản, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp thị sản phẩm cũng như nâng cao cạnh tranh và phát triển. Nói đến TSTT, khái niệm “Vốn trí tuệ (intellectual capital)” đã từ lâu được công nhận là tài sản quan trọng nhất của nhiều công ty lớn nhất và quyền lực nhất thế giới; là nền tảng cho sự thống lĩnh thị trường và tiếp tục sinh lời của các tập đoàn hàng đầu, tuy nhiên sang tới SMES lại chưa được nhận diện và xem trọng. Đây là thực trạng xảy ra phổ biến trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

Đối với SME, quyền SHTT nói chung và TSTT nói riêng vừa quan trọng vừa phức tạp. Ở giai đoạn thành lập, nhận thức về SHTT giúp SMES một mặt định giá đúng TSTT của mình, có hành động để đăng ký bảo hộ khi cần thiết, mặt khác hạn chế rủi ro khi sử dụng TSTT của người khác. Ở giai đoạn vận hành và phát triển, hiểu biết về SHTT giúp SMES tăng khả năng hiển thị, sức hấp dẫn và giá trị của sản phẩm trên thị trường, phân biệt với đối thủ cạnh tranh, tiếp cận thông tin, kiến thức kỹ thuật và kinh doanh; hạn chế rủi ro trong tranh chấp giữa các thành viên góp vốn, tăng giá trị của doanh nghiệp và có chiến lược phát triển phù hợp. Ở giai đoạn chuyển đổi, chuyển nhượng, SHTT giúp SMES định giá đúng giá trị doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận tối ưu cho nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Trong thế giới hậu Covid, SHTT sẽ tiếp tục là trọng tâm khi các công ty tiếp tục ưu tiên đầu tư vào các mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên công nghệ kỹ thuật số, như y tế từ xa, hội nghị trực tuyến, mạng xã hội, dịch vụ giao hàng... Trong khi các SMES luôn sáng tạo và đổi mới, dùng xu hướng để kinh doanh và khởi nghiệp, đa số SMES lại quên nghĩ đến việc xây dựng danh mục các TSTT để bảo vệ chính những ý tưởng giúp họ tạo ra doanh thu và doanh nghiệp.

Quản trị TSTT của SMES nhìn từ các khuyến nghị của WIPO và thực tiễn

Theo một nghiên cứu của WIPO, các SMES có đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp có nhiều khả năng phát triển nhanh chóng và thành công hơn những doanh nghiệp không đăng ký.

TSTT mà SMES thường sở hữu và sử dụng bao gồm: công nghệ (technology) gắn liền với sáng chế (patent), thương hiệu (brand), tên miền (domain names) gắn liền với nhãn hiệu (trademark), kiểu dáng (design) gắn liền với kiểu dáng công nghiệp (industrial design), kiểu dáng hữu ích (utility models), sản phẩm sáng tạo (creative works) gắn liền với quyền tác giả (copyright), sản phẩm địa phương (local products) gắn liền với chỉ dẫn địa lý (geographical indications), nông sản (agricultural products) gắn liền với bảo vệ giống cây trồng (plant variety protection), văn hóa dân gian, tri thức bản địa (culture & indigenous knowledge) gắn liền với đa dạng TSTT, tên thương mại (trade name) và bí mật kinh doanh (trade secret).

Trong đó, bí mật kinh doanh được xem là loại TSTT được sử dụng phổ biến nhất.. Gần đây hơn, bí mật kinh doanh còn được xác định liên quan đến các dấu hiệu phi cấu trúc, các thuật toán, dữ liệu máy móc... Tuy nhiên, để bảo vệ được bí mật kinh doanh, SMES buộc phải nhận thức được thông tin nào cần được bảo vệ để duy trì lợi thế cạnh tranh và các biện pháp sẵn có để giảm rủi ro.

Một ví dụ điển hình được WIPO đưa ra để minh chứng cho mối quan hệ của SMES với TSTT đến từ ENDA Kenya, một công ty chuyên hợp tác với các vận động viên thể thao để phát triển sản phẩm giày chạy. Bằng việc dự đoán và có các biện pháp phù hợp để tạo lập, đăng ký quyền SHTT cho các sản phẩm trí tuệ từ những giai đoạn đầu tiên, đặc biệt là về sáng chế và nhãn hiệu, công ty này đã đạt được những tăng trưởng vượt trội, trở thành nhãn hiệu giày yêu thích không chỉ tại Kenya mà còn trên khắp các nước châu Phi lân cận và không vướng phải bất cứ vấn đề nào về SHTT.

Ngược lại, về phía chính sách hỗ trợ, song song với việc thúc đẩy SME, mỗi quốc gia cũng cần trang bị cho mình cơ chế hỗ trợ về SHTT cho đối tượng này. Tại châu Âu, vấn đề hỗ trợ SHTT cho các SMES rất được quan tâm. Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu giúp các SMES sử dụng TSTT hiệu quả hơn bằng cách đưa ra một loạt những chính sách hỗ trợ về SHTT, điển hình là triển khai các công cụ như Horizon IP Scan bao gồm một mạng lưới rộng lớn các chuyên gia giàu kinh nghiệm trên khắp châu Âu hỗ trợ tư vấn, đánh giá TSTT; thành lập Bộ phận hỗ trợ về SHTT châu Âu (European IPR Helpdesk) - dịch vụ miễn phí về SHTT tuyến đầu cung cấp hỗ trợ các vấn đề SHTT trong thương mại xuyên quốc gia; đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động, đánh giá hiệu quả của những công cụ hỗ trợ này.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Số liệu thống kê cho thấy chỉ 18% SMES tại Việt Nam quan tâm và có sự hiểu biết đúng về TSTT, và chỉ 6% có bộ phận/người phụ trách về quyền SHTT. Nhiều trường hợp bị mất nhãn hiệu đối với những hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài đã diễn ra. Tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” luôn thường trực đối với những SMES chỉ tập trung vào sản phẩm, huy động vốn mà không quan tâm đến việc quản trị TSTT ngay từ giai đoạn hình thành ý tưởng và phát triển sản phẩm. 

Trong bối cảnh đó, thời gian qua, rất nhiều chương trình hỗ trợ cho SMES trong việc quản trị TSTT đã được tiến hành tại Việt Nam. Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 đã đặt SMES là một đối tượng trọng tâm cần được hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi các vấn đề về quyền SHTT. Công cuộc chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục đăng ký quyền SHTT cũng đã được triển khai cùng với các chương trình tuyên truyền, phổ biến về TSTT. Tuy nhiên, qua khảo sát và đánh giá của chúng tôi cho thấy, ý thức về quản trị TSTT đối với SMES tại Việt Nam chưa thật sự có những chuyển biến rõ nét. Qua nghiên cứu thực tiễn tốt từ các quốc gia, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cơ quan quản lý SHTT tại Việt Nam cần chủ trì xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ việc quản trị TSTT đối với SME. Theo đó, cơ quan này sẽ làm đầu mối để kết nối các SME, chuyên gia, nhà tư vấn, luật sư, đại diện SHTT, ngân hàng, các trường đại học để hình thành mạng lưới tư vấn, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong việc quản trị TSTT của SME. Mô hình mạng lưới Horizon IP Scan của EU là một thực tiễn rất đáng tham khảo. Mô hình này cũng đã được triển khai trong tổng hòa chính sách hỗ trợ SMES của Hàn Quốc.

Thứ hai, tiếp tục việc chuyển đổi số trong công tác quản lý SHTT và mở rộng đến hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về TSTT đối với SME. Cụ thể như việc tạo và thiết lập các ứng dụng (app) chạy trên nền tảng điện thoại hỗ trợ cho việc tra cứu kiến thức, quy định pháp luật, trình tự, thủ tục, kết nối đơn vị tư vấn, hỗ trợ về thực thi, tiến hành xác lập quyền SHTT.

Thứ ba, Nhà nước cần áp dụng cơ chế hỗ trợ tài chính đối với SMES trong các hoạt động liên quan đến quản trị TSTT, như miễn phí đối với chi phí thực hiện các thủ tục xác lập quyền, hình thành bộ phận tư vấn trực tiếp miễn phí, miễn hoặc giảm thuế đối với các nguồn thu từ việc chuyển giao, thương mại hóa TSTT.

Ngoài ra, việc xem xét rút ngắn thủ tục hành chính và thời gian xử lý đơn xin cấp văn bằng bảo hộ TSTT cho SMES cũng là cần thiết. Bởi lẽ với thời gian làm thủ tục đăng ký TSTT dài như hiện nay, tâm lý e ngại của chủ doanh nghiệp là điều dễ hiểu, đôi khi họ còn cho rằng việc đăng ký bảo hộ là không cần thiết vì có khả năng khi được cấp văn bằng bảo hộ, doanh nghiệp đã không còn hoạt động.

Công Thường

Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)