Chi tiết chương trình
 
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La
 Ngày: 7-10-2023
File đính kèm: , ,
Tỉnh Sơn La nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, có nhiều tài nguyên và tiềm năng phát triển du lịch với những bản sắc riêng. Tài nguyên du lịch của lòng hồ thủy điện nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung có nhiều điểm tương đồng với các vùng địa lý khác, nếu không có những bản sắc riêng thì nguy cơ trở thành một điểm dừng chân trên các tuyến du lịch theo quốc lộ 6 và 279 kết nối Sơn La với các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái...
Tiềm năng phát triển du lịch với bản sắc riêng

Sơn La là vùng đất lâu đời của 12 dân tộc đa dạng về văn hóa; kiến trúc còn nguyên giá trị truyền thống (Phụ Mẫu, Nà Bai, Chiềng Yên, Bản Áng, Bản Hài...), các trò chơi dân gian (hội ném còn, hội săn bắn, đánh cá, cầu mùa, xíp xí...), các lễ hội (hoa Ban, cầu mưa và đua thuyền dân tộc Thái, lễ hội mùa Xuân, lễ hội Xen Pang Ả, ngày hội người Mông...), các vũ nhạc dân tộc (múa xoè và múa nón người Thái, múa khèn và múa ô người Mông, múa chuông người Dao, múa cống tốp, au eo người Khơ Mú...), ẩm thực truyền thống nổi tiếng với các món ăn của người Thái được chế biến từ những sản phẩm địa phương và đa dạng
Sơn La có 350 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó: 9 khách sạn từ 3-5 sao, gần 30 khách sạn từ 1-2 sao, còn lại là nhà nghỉ và homestay... thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm, trong đó khách quốc tế trên 110.000 lượt, đạt doanh thu 1.915 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 13.350 lao động.


Đặc biệt, tiềm năng du lịch khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La rất lớn: cầu Pá Uôn; hệ thống hang động hoang sơ; trữ lượng lớn nước khoáng nóng; các điểm văn hóa tâm linh (đền thờ Linh Sơn – Thủy Từ và Nàng Han..); di tích cây đa Pắc Ma, kiến trúc người Thái trắng ven sông Đà, cảnh quan hùng vĩ; dân cư đa sắc tộc và văn hóa; khả năng kết nối du lịch vùng tam giác Lào Cai - Điện Biên – Sơn La. Tài nguyên văn hóa phong phú: Lễ hội đua thuyền truyền thống; Lễ hội gội đầu người Thái Trắng; Lễ hội Mừng cơm mới; Các làn điệu dân ca, dân vũ; Nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát, làm đàn tính tẩu truyền thống. Các điểm đến hấp dẫn: Đảo Trái tim, Vịnh Uy Phong, cột mốc huyện Quỳnh Nhai cũ, Đền Linh Sơn Thủy Từ - Đền Nàng Han, Tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát...

Nhiều doanh nghiệp, HTX đã và đang đầu tư thêm hạ tầng và dịch vụ du lịch: lướt ván, mô tô nước, phao kéo, chèo thuyền kayak, bể bơi trên hồ, bóng chuyền nước, cá massage chân… ẩm thực dân tộc Thái chế biến từ cá lòng hồ sông Đà, biểu diễn văn nghệ dân tộc. HTX thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai đưa vào khai thác một phần resort khu du lịch sinh thái quy mô 10 căn trên Đảo trái tim, dịch vụ suối nước nóng bản Bon, trồng hoa và cây ăn quả, bến thuyền, nhà điều hành, vườn hoa công viên, bãi đỗ xe... Một số dự án lớn đang dần định hình, như: sân golf, bến thuyền buồm, khu vui chơi giải trí, công viên nước nổi, resort, tắm nước khoáng nóng, trò chơi mạo hiểm, phim trường, nghỉ dưỡng... tại huyện Quỳnh Nhai với quy mô nghiên cứu 10.520 ha.

Đầu tư khai thác và phát triển biểu tượng “Du lịch lòng hồ sông Đà – Sơn La”
Lợi thế lớn nhưng du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La chưa tương xứng với tiềm năng, thách thức bảo tồn các giá trị truyền thống. Du lịch cộng đồng (điểm đến và sản phẩm) theo hướng tự phát, nguồn nhân lực hạn chế, loại hình đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng các sản phẩm địa phương mang bản sắc riêng... Bất cập về giao thông, cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu và yếu. Sự đơn điệu của các dịch vụ lưu trú và ăn uống kèm theo các điều kiện vệ sinh và ATTP. Vì vậy, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao, bị cạnh tranh bởi các sản phẩm của vùng Tây Bắc và các hồ nước khác (Hòa Bình, Đại Lải, Ba Bể...) đã khai thác trong thời gian dài và định vị được thương hiệu. Trong khi đó, nhiều sản phẩm, dịch vụ của hồ thủy điện Sơn La vẫn đang ở giai đoạn quy hoạch hoặc định hướng phát triển.

Yếu tố thu hút khách du lịch hiện nay là một không gian sống mang bản sắc địa phương, khác với văn hóa của họ hoặc những gì họ đã từng trải nghiệm. Trong thế giới phẳng, sự khác biệt về kiến trúc, ẩm thực, sản vật và văn hóa của địa phương... chính là lợi thế cạnh tranh của du lịch gắn với đa dạng về loại hình, sản phẩm.

Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Sơn La nói chung và của khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La nói riêng đều coi trọng các trụ cột của sự bền vững và bản sắc riêng của địa phương. Các tài nguyên tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người của lòng hồ thủy điện Sơn La chính là tài sản trí tuệ cộng đồng để phát triển kinh tế du lịch. Tài sản này tạo ra sự khác biệt bằng những dấu hiệu nhận biết trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Biểu tượng “Du lịch lòng hồ sông Đà – Sơn La” nên xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn gốc của địa phương (văn hóa, ẩm thực, lễ hội, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nông nghiệp, trải nghiệm cuộc sống nông thôn, thực hành nông nghiệp, kiến trúc và cảnh quan nông thôn...) để tạo ra sự độc đáo và tích hợp những tiêu chuẩn quốc gia, hoặc quốc tế để nâng cấp và hội nhập. Nó là một biểu tượng chung cho vùng du lịch gắn liền với một thiết chế để khai thác và được quản lý.

Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030,  nhiệm vụ “Bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ việc quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La” sẽ tập trung nghiên cứu khả năng và nhu cầu phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với sản xuất nông nghiệp và làng nghề, các đặc trưng văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực, các dịch vụ khác có tiềm năng phát triển thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng thời, nhiệm vụ cũng xây dựng, quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch lòng hồ sông Đà - Sơn La”. Nhãn hiệu này đảm bảo tính gắn kết với vùng du lịch (quy định về sử dụng lao động, nguồn nguyên liệu, vật liệu của các địa phương khu vực lòng hồ thủy điện); quảng bá, nâng cao hình ảnh của “Du lịch lòng sông Đà – Sơn La” tại thị trường trong nước và quốc tế, góp phần cải thiện thu nhập của chủ thể (hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp) cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch tại lòng hồ thủy điện Sơn La.

Thanh Hà


Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)
Thị trường và xu thế phát triển cây đậu phộng Tây Ninh  (01-04-2022)