Chi tiết chương trình
 
Xây dựng chương trình đào tạo có hiệu quả về sở hữu trí tuệ
 Ngày: 10-7-2020
File đính kèm: , ,
Với tư cách là một trong ba trụ cột của thương mại quốc tế hiện đại, Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đạt yêu cầu tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các quy định của hệ thống pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế và các thỏa thuận hợp tác song phương đều khẳng định nhất quán chủ trương tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên tình trạng vi phạm về sở hữu trí tuệ vẫn ở mức cao. Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ cao, là quốc gia đứng đầu thế giới về tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm (92%). Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ chưa được coi trọng đúng mức.


Xuất phát từ thực tế trên, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội đã chủ trì triển khai dự án “Đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung”  từ năm 2017-2019.

Nhu cầu đào tạo rất lớn

Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất cho sự thành công của một hệ thống sở hữu trí tuệ ở một quốc gia là tạo ra sự hiểu biết của công chúng về lợi ích của sở hữu trí tuệ ngay từ giai đoạn đầu. Các hoạt động giảng dạy, đào tạo các kiến thức về sở hữu trí tuệ là một trong những bước hiệu quả nhất góp phần tăng cường nhận thức của các đối tượng khác nhau trong lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ của Dự án, hơn 650 người là giảng viên các đại học và nhóm cán bộ thực thi quyền SHTT đã được điều tra, khảo sát tình hình thực tiễn và nhu cầu đào tạo về SHTT. Kết quả khảo sát đã giúp xác định đúng nhu cầu đối với các kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ của từng nhóm đối tượng có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ.

Kết quả khảo sát cho thấy mức độ hiểu biết về pháp luật sở hữu trí tuệ đa phần mới dừng lại ở việc nắm bắt được lý thuyết và những quy định cơ bản, chưa có sự tìm hiểu và nghiên cứu sâu về các lĩnh vực của SHTT. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các thông tin về SHTT chưa thường xuyên do gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin như: không tìm được tài liệu chuyên môn, không tìm được các khóa đào tạo/tập huấn phù hợp.

Đặc biệt, thống kê từ khảo sát đã chỉ rõ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức về SHTT là rất cao, rất cần thiết và được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, việc tiếp cận các nguồn thông tin về SHTT mới chủ yếu qua các kênh như: báo chí, internet, người quen, bạn bề. Việc được tham gia các hội thảo chuyên môn và các khóa đào tạo/tập huấn chuyên sâu về SHTT còn rất hạn chế. Ngoài ra, nhu cầu tham gia các khóa đào tạo chuyên môn về sở hữu trí tuệ cũng cho kết quả rất cao. Tuy nhiên Các khóa đào tạo về SHTT hiện nay còn thiếu tính thực tế, chưa cập nhật, nội dung đào tạo còn chung chung, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn công việc.  Phần lớn người được khảo sát mong muốn được tham gia các khóa đào tạo/tập huấn về SHTT không những để tìm hiểu, tích lũy và cập nhật lý thuyết về SHTT, mà còn mong muốn được thực hành và tham gia khảo sát thực tiễn phục vụ nhu cầu công việc.

Tổ chức đào tạo “đúng và trúng”

Trong 2 năm triển khai, Dự án đã tổ chức thành công 17 lớp đào tạo chuyên sâu ở khu vực Bắc Bộ và miền Trung với 773 lượt học viên thuộc các nhóm đối tượng khác nhau được đào tạo. Đối tượng thụ hưởng là các giảng viên nguồn từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đây là những người có sự ảnh hưởng và sức lan tỏa trong quá trình thực hành nghề nghiệp. Do vậy, ngay cả khi dự án kết thúc các hoạt động thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong các nhóm cộng đồng vẫn tiếp tục được thực hiện nhờ vào các chủ thể thụ hưởng này. Cùng với đó, chủ thể thụ hưởng là các cán bộ thực thi pháp luật (quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an, tòa án, viện kiểm sát) tham gia các khóa tập huấn cũng rất đa dạng về vị trí làm việc và lứa tuổi. Điều này giúp bảo đảm tính kế thừa và duy trì được tốt kết quả đào tạo.


Dự án đã biên soạn 800 bộ tài liệu giảng dạy phù hợp cho 4 nhóm đối tượng của Dự án. Các tài liệu này đã được phân bổ tới các trường đại học, các cơ quan quản lý thị trường, hải quan và công an. Tại thời điểm hiện tại, các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ vẫn tiếp tục được triển khai nhờ vào việc xác định đối tượng thụ hưởng để có thể lan tỏa được tốt nhất kiến thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ tới cộng đồng.

Dự án đào tạo chuyên sâu về SHTT dành cho các nhóm chủ thể khác nhau đã tạo ấn tượng nổi bật không chỉ đối với các cơ quan quản lí mà còn với chính các đơn vị thực hiện hoạt động đào tạo. Nội dung tổng thể của dự án đã đáp ứng được một số mục tiêu lớn của Việt Nam trong những năm gần đây là trang bị cho các học viên kiến thức về các hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong những lĩnh vực khoa học khác nhau và trong cả thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp; thúc đẩy năng lực thực thi pháp luật của các cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan chức năng thông qua việc thực hiện đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lí và phát triển tài sản trí tuệ. Đây là những mục tiêu lớn của Nhà nước, đã được nêu rõ và quán triệt thúc đẩy trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020.
Hà Thủy


Các tin đã đưa
Thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ về việc tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia  (12-01-2024)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm sò huyết của tỉnh Cà Mau  (30-10-2023)
Nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp  (28-10-2023)
Xây dựng CDĐL cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên  (26-10-2023)
KẾT QUẢ BẢO HỘ, QUẢN LÝ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC ĐỊA PHƯƠNG CỦA THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG  (24-10-2023)
Xử lý ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống nuôi tôm  (23-10-2023)
Các giải pháp liên kết nâng cao chuỗi giá trị cam Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang  (22-10-2023)
Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam  (18-10-2023)
Kết quả nổi bật trong bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương  (16-10-2023)
Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà của tỉnh Kon Tum  (15-10-2023)
Chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp   (13-10-2023)
Đào tạo, nâng cao năng lực xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ cho cán bộ của hệ thống tư pháp  (12-10-2023)
Chính sách quản trị tài sản trí tuệ trong các trường đại học  (10-10-2023)
Quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch lòng hồ sông Đà của tỉnh Sơn La  (7-10-2023)
Vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch  (5-10-2023)
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm chè vằng  (8-02-2023)
Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo  (8-02-2023)
Giải pháp quản lý Nhà nước về tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế   (19-04-2022)
Tình hình khai thác, thương mại hóa sáng chế tại Việt Nam  (12-04-2022)
Nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP  (09-04-2022)